SharewithChi
SharewithChi
  • Home
  • Contents
    • Góc học tập
    • Cuộc sống ở Nhật
      • Review/Làm đẹp
      • Thuế/Bảo hiểm/Visa
    • Du lịch Trải nghiệm
  • Social
    • Facebook
    • TikTok
    • Instagram
    • Youtube
  • Contact me

GÓC HỌC TẬP

CUỘC SỐNG Ở NHẬT

DU LỊCH - TRẢI NGHIỆM

Với kinh nghiệm hơn 8 năm sinh sống và làm việc tại Nhật mình đã gặp rất nhiều người Nhật với nhiều tính cách khác nhau. Cũng như tất cả mọi nơi trên thế giới thì ở đâu cũng có người tốt/người xấu, người hướng nội/hướng ngoại, người lạc quan/tiêu cực... Tuy nhiên với đặc điểm là một quốc gia được bao quanh bởi biển và có lịch sử bế quan tỏa cảng lâu dài thì người Nhật có những tính cách đặc trưng không giống với những quốc gia khác trong khu vực châu Á nói chung và vùng Đông Á nói riêng. Các tính cách tốt như kỷ luật/tự giác cao, khiêm tốn, hay tinh thần tập thể cao... thì chắc hẳn đã có rất nhiều bài chia sẻ nên trong post này mình sẽ chỉ điểm qua một số tính cách của người Nhật mà theo quan điểm cá nhân mình thấy không được “tốt” cho lắm (Chú ý bài viết này dựa vào quan điểm và cảm nhận cá nhân và hoàn toàn không mang ý xúc phạm/phê phán).

 

1.     Ngại thay đổi và ưa sự ổn định


 Người Nhật nổi tiếng với tính cách ngại thay đổi và ưa sự ổn định. Họ rất coi trọng việc duy trì truyền thống và những phương pháp làm việc quen thuộc, thậm chí có những người làm hơn 30 năm ở cùng một công ty. Người Nhật không thích những thay đổi đột ngột, mà thường cần khoảng thời gian dài để có thể thích nghi dần dần. Trong công việc, họ thường có khuynh hướng duy trì cơ cấu và quy trình làm việc ổn định, thay vì thay đổi cấu trúc tổ chức liên tục. Người Nhật có quan điểm "nếu nó không bị hỏng, thì đừng sửa nó", vì vậy họ khá miễn cưỡng với việc đổi mới, cải tiến hay du nhập cái mới khi mọi thứ vẫn đang diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu thay đổi mang lại lợi ích rõ ràng và cần thiết, hoặc trong tình huống bắt buộc phải thay đổi thì họ vẫn sẽ chấp nhận dù cần một quá trình thích nghi và làm quen khá là lâu. Điển hình là mỗi khi công ty hay tổ chức có thay đổi cơ cấu bộ máy hoặc áp dụng một chiến lược, hệ thống mới thì người Nhật phải mất tới vài ba tháng, thậm chí cả năm để làm quen với thay đổi đó.

 

2.     Rập khuôn


 Một đặc điểm nổi bật nữa trong tính cách của người Nhật là tính rập khuôn, đồng nhất cao. Người Nhật có xu hướng tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực xã hội, quy trình làm việc và tránh làm điều gì đó khác biệt, nổi bật. Trong công việc, họ luôn cố gắng không làm phiền đồng nghiệp và thích làm việc theo nhóm hơn là thể hiện bản thân. Người Nhật rất coi trọng sự hòa hợp, đồng lòng và luôn tránh đưa ra quan điểm trái chiều gây mất hòa khí. Thay vì tranh luận, họ thường tìm kiếm sự đồng thuận và thống nhất ý kiến của nhóm. Điều này dẫn đến tính rập khuôn cao, ít chấp nhận sự khác biệt cá nhân trong xã hội Nhật Bản nói chung và môi trường công sở nói riêng.

 

3.     Tính đối ứng kém


 Hầu hết người Nhật có xu hướng áp dụng cách ứng xử máy móc dựa trên khuôn mẫu và nguyên tắc, thay vì linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh. Trong công việc, người Nhật thường thiếu kỹ năng ứng xử linh hoạt và quyết đoán khi đối mặt với những tình huống bất ngờ. Thay vì đưa ra quyết định nhanh chóng, họ có xu hướng do dự và không muốn chịu trách nhiệm cá nhân nên họ thường tham vấn ý kiến đồng nghiệp và cấp trên trước khi quyết định điều gì đó quan trọng. Việc này cũng không hẳn là xấu khi nó giúp họ đưa ra được những quyết định đúng đắn và tránh được các rủi ro. Tuy nhiên trong business sẽ có nhiều trường hợp cấp bách cần phải đưa ra quyết định ngay lập tức thì chính điều này làm bỏ lỡ nhiều cơ hội hiếm có. Ngoài ra, trong các cuộc họp người Nhật cũng ít khi đưa ra ý kiến mới mẻ và thường đồng tình theo quan điểm chung. Họ rất ngại va chạm và tranh luận, nên thường tránh phản biện ý kiến của cấp trên hay đồng nghiệp. Điều này khiến họ kém linh hoạt trong việc điều chỉnh cách làm việc khi hoàn cảnh thay đổi.

 

4.     Thảo mai, ngại chê bai hoặc từ chối người khác


 Người Nhật nổi tiếng với lối sống thảo mai, ngại chê bai hay từ chối thẳng lời đề nghị của người khác. Họ rất tế nhị, khéo léo để ý đến cảm xúc và nhu cầu của người khác. Người Nhật thường quan sát và lắng nghe kỹ càng trước khi đưa ra lời khuyên hay hành động giúp đỡ ai đó. Họ cũng rất nhẹ nhàng, không ép buộc ý kiến của mình lên người khác. Trong giao tiếp, người Nhật tránh nói thẳng ra điều gì có thể khiến đối phương khó chịu. Thay vào đó, họ dùng ngôn ngữ ám chỉ, ẩn dụ để gợi ý gián tiếp. Việc này giúp đối phương không phật ý hay cảm thấy bị tổn thương, tuy nhiên có rất nhiều trường hợp thay vì nói vòng vo, giải thích dài dòng thì mình thấy việc nói thẳng sẽ tốt và tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều. Đặc biệt đối với người nước ngoài khi làm việc trong công ty Nhật, việc hiểu được những ẩn ý đằng sau lời nói của người Nhật rất khó vì một phần vừa phải đạt được một level tiếng Nhật nhất định, một phần vừa phải hiểu được tính cách của người Nhật cũng như nắm bắt được tình hình ở hoàn cảnh đó (người Nhật hay dùng từ 空気を読む).


KẾT


 

 Nhìn chung, trong công việc, người Nhật thể hiện một số nét tính cách tiêu cực như ngại thay đổi, thiếu linh hoạt và quyết đoán, hay né tránh xung đột trực tiếp. Các đặc điểm này có thể gây trở ngại cho việc ra quyết định nhanh chóng và thích ứng với những thay đổi, đòi hỏi cao trong kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan rằng những nét văn hóa ấy có nguồn gốc từ truyền thống tôn trọng hài hòa, khiêm nhường và hợp tác nhóm của người Nhật. Kinh nghiệm của bản thân mình để có thể hòa nhập vào môi trường công sở và làm việc chung với người Nhật đó là chấp nhận và tôn trọng những tính cách “Xấu” này của họ. Mình nhận thấy việc thay đổi những tính cách này là điều không thể vậy nên mình bắt đầu thay đổi bản thân để có thể hòa hợp với những tính cách này ( học tiếng Nhật business để có thể hiểu ẩn ý của đối phương, đọc sách để hiểu hơn về tính cách của người Nhật hay học hỏi cách nêu ra ý kiến một cách tự nhiên trong mỗi cuộc họp...). Để làm việc được tròn môi trường công sở của công ty Nhật không chỉ đòi hỏi trình độ tiếng Nhật mà còn đòi hỏi bạn phải hiểu rõ về văn hóa, tính cách và phong thái làm việc của người Nhật. 

Chúc các bạn sớm tìm ra cách cho riêng mình để có thể dễ dàng hợp tác với người Nhật và nâng cao năng suất làm việc!



Trong quá trình học tiếng Nhật, trình độ N3 được coi như một cột mốc đánh dấu rằng bạn đã bước sang một level mới đạt mức có thể giao tiếp hằng ngày. Sau hơn 8 năm sinh sống và làm việc tại Nhật thì mình nhận thấy khi giao tiếp người Nhật họ thường sử dụng những mẫu câu khá đơn giản ( mà theo mình thì hầu hết nằm trong kiến thức N3). Tuy nhiên gần đây số lượng người đỗ N2 hay N1 ngày càng nhiều nên trình độ N3 dần mất đi “giá trị” mà nó vốn có. Đối với bản thân mình việc nắm vững và sử dụng thành thạo ngữ pháp và từ vựng N3 (chú ý là sử dụng thành thạo nhé) cũng đủ để bạn có thể giải quyết những vấn đề hằng ngày như giao tiếp cơ bản, đọc bản chỉ dẫn, tự đi du lịch trong nước...

Vậy làm thế nào để học và sử dụng các ngữ pháp, từ vựng N3 một cách thành thạo và hiệu quả? Hãy cùng mình tìm hiểu qua bài viết này nhé!


1. Nội dung cơ bản trong JLPT N3

NGỮ PHÁP: Có khoảng 113 ngữ pháp cơ bản trong trình độ N3 bao gồm thể sai khiến ( させる) , thể bị động sai khiến (させられる), câu điều kiện (~ば), câu so sánh (より、ほど)... và các cách diễn tả sự suy đoán(だろうと思う、~かと思う、に違いない), nguyên nhân kết quả(ため、ので、ものだから)... Đối với bản thân mình chỉ cần dùng thành thạo 113 mẫu ngữ pháp này cộng thêm việc làm giàu vốn từ vựng là các bạn hoàn toàn có thể tự tin giao tiếp với người Nhật không chỉ trong cuộc sống hằng ngày mà còn ngay cả trong công việc.


▶Tải ngay : Hệ thống Mindmap Ngữ pháp N3 đầy đủ nhất


TỪ VỰNG: Đối với trình độ tiếng Nhật N3 sẽ có khoảng 1100 từ vựng. Nếu thường xuyên ôn luyện và học mỗi ngày thì việc chinh phục số lượng từ vựng ở cấp độ N3 sẽ không quá khó. Thường từ vựng sẽ thuộc các chủ đề như sở thích cá nhân, du lịch, đối ứng trong bệnh viện, các vật dụng hằng ngày...

 

➤ Kinh nghiệm của mình là học từng chút một ( mỗi ngày 5 mẫu câu, 10 từ vựng) và vận dụng các kiến thức học được vào ngay khi có cơ hội giao tiếp bằng Tiếng Nhật. Việc vận dụng thực tế bằng cách nói giúp bạn nhớ kiến thức lâu hơn rất nhiều so với việc chỉ tiếp thu (input) mà không có đầu ra (output). Tuy nhiên điểm quan trọng là các bạn phải ôn tập lại kiến thức của ngày hôm trước ( theo như nghiên cứu thì sau 1 ngày não của chúng ta sẽ quên 74% những gì chúng ta học được). Ngoài giao tiếp, các bạn cũng có thể tập thói quen viết lách (nhật ký, blog, post Facebook...) bằng tiếng Nhật, việc này không chỉ giúp bạn nhớ được lâu mà còn giúp bạn giải tỏa stress rất hiệu quả.

Bên cạnh đó việc học kèm cùng người khác hoặc tham gia hội nhóm có cùng mục tiêu sẽ giúp việc học của bạn hiệu quả và dễ duy trì động lực học hơn.


2. Lộ trình học tiếng Nhật hiệu quả trong 2 tháng

Giai đoạn 1: Ôn tập kiến thức

Ôn tập kiến thức căn bản N4, bao gồm các thể thông thườngる, thể ます、thể て、thể quá khứ た... và các từ vựng, mẫu câu đơn giản. Giai đoạn này thường mất 2-3 ngày.


Giai đoạn 2: Học kiến thức N3

Ở giai đoạn này các bạn nên chia thời gian ra học kiến thức mới của N3 tùy theo thời gian biểu của mỗi người theo mỗi ngày ( ngày học ngữ pháp, ngày học Kanji, ngày luyện nghe, còn riêng từ vựng thì hãy học mỗi ngày để tăng vốn từ). Sau 1 tuần hãy làm test bằng các mẫu đề trên mạng, hoặc có thể tự tổng hợp kiến thức bằng cách riêng. Giai đoạn này thường mất 45 đến 50 ngày.


Giai đoạn 3: Thực chiến

Làm bài tập tổng hợp, luyện đề thi thử của các năm trước, dùng kiến thức học được vào các cuộc hội thoại...Việc làm bài tập tổng hợp hay giải đề có thể mất 5-7 ngày, tuy nhiên việc dùng kiến thức thu được vào hội thoại hằng ngày thì các bạn nên duy trì mỗi ngày để có kết quả tốt nhất. Nên nhớ Input thì đi đôi với Output nhé!

 Tham gia ngay Group Tiếng Nhật Kaiwa Hiểu đúng - Nói đủ để biết thêm nhiều điều về tiếng Nhật nha

3. Tổng hợp đề thi thử JLPT N3/đề kiểm tra trắc nghiệm từ vựng, ngữ pháp N3

▶ Đề kiểm tra Ngữ pháp N3: N3 文法テスト

▶ Đề kiểm tra từ vựng N3: N3 語彙テスト

※Thông tin lớp học N3: Khóa học online tương tác trực tuyến cải thiện trình độ Kaiwa

Kết: Học tiếng Nhật chưa bao giờ là dễ đối với người nước ngoài. Để có thể sử dụng thành thạo ngôn ngữ này chúng ta phải dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho nó. Đừng nóng vội và hãy kiên trì, mình tin các bạn sẽ sớm đạt được mục tiêu của bản thân. Hi vọng những chia sẻ về JLPT N3 của mình sẽ ít nhiều giúp ích cho các bạn trên con đường học tiếng Nhật. Chúc mọi người học vui ^^

Học tiếng Nhật chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng, nó đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực phi thường từ người học. Trong quá trình chinh phục một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ này, việc duy trì động lực liên tục chính là chìa khóa quan trọng để đạt được thành công. Dưới đây là 7 cách đã giúp mình luôn có thể tự tiếp thêm năng lượng và động lực cho bản thân trong suốt hành trình học tập từ trước tới nay.

1.    Thiết lập mục tiêu cụ thể

 Thứ nhất, hãy thiết lập những mục tiêu cụ thể, rõ ràng cho việc học tiếng Nhật của mình. Đó có thể là mục tiêu ngắn hạn như có thể giao tiếp cơ bản sau 3 tháng, hoặc mục tiêu dài hạn như thi đậu kỳ thi năng lực N1 sau 2 năm hay có thể nói chuyện lưu loát với người Nhật sau 5 năm... Khi biết mình đang hướng tới đâu, bạn sẽ dễ dàng tập trung nỗ lực và duy trì động lực hơn rất nhiều.

2.    Tìm bạn đồng hành

 Thứ hai, hãy tìm cho mình một người bạn đồng hành cùng học tiếng Nhật. Hai đầu gối vững chắc sẽ tiến xa hơn một đầu gối đơn độc. Việc học cùng ai đó sẽ giúp bạn vượt qua những lúc gặp khó khăn và thúc đẩy lẫn nhau tiến bộ. Bằng cách đố nhau nghĩa của từ vựng, cấu trúc ngữ pháp hay nói chuyện với nhau bằng tiếng Nhật sẽ giúp cả 2 bạn nhớ kiến thức nhanh hơn, việc học cũng thú vị hơn và hiệu quả hơn rất nhiều.

3.    Tự thưởng cho bản thân

 Thứ ba, hãy thưởng cho bản thân mỗi khi bạn đạt được một mục tiêu nhỏ trong học tập. Mình đã từng tự mua món đồ mình thích khi đỗ N1, và tự thưởng cho mình một chuyến du lịch Osaka khi mình đỗ Đại học. Điều này sẽ giúp các bạn cảm thấy vui vẻ, tự hào và tiếp tục hứng khởi với những mục tiêu tiếp theo.

4.    Học tiếng Nhật qua bài hát, phim, anime...

 Thứ tư, hãy xem những video bài hát tiếng Nhật, phim tiếng Nhật có phụ đề để vừa học vừa giải trí. Điều này vừa giúp bạn tiếp xúc nhiều hơn với tiếng Nhật, vừa mang lại cảm giác thư giãn, không bị ép buộc. Âm nhạc sẽ kích thích não bộ và mang lại cảm hứng cho việc học, do đó việc nghe nhạc tiếng Nhật cũng là một trong những cách hiệu quả để duy trì động lực.

5.    Tìm hiểu Văn hóa và kết nối nhiều hơn với người Nhật

Thứ năm, dành thời gian tìm hiểu về văn hóa Nhật và kết nối với nhiều người Nhật hơn. Điều này sẽ giúp bạn hiểu hơn về đất nước và con người, từ đó yêu thích tiếng Nhật và muốn học hỏi sâu hơn. Việc kết nối với giáo viên hoặc bạn bè người Nhật không chỉ giúp khả năng nghe, nói của bạn được cải thiện mà còn giúp bạn hiểu rõ hơn về tâm lý, thói quen và cả cách làm việc của người Nhật nữa.

Kết


 Hy vọng với 5 cách đơn giản trên, các bạn sẽ tìm lại được động lực và kiên trì chinh phục tiếng Nhật. Hãy luôn nhớ rằng để thông thạo một ngôn ngữ không chỉ là việc ngày một ngày hai có thể đạt được mà đó là cả một quá trình cần rất nhiều sự cố gắng và nỗ lực. Chúc bạn sớm đạt được mục tiêu học tiếng Nhật của mình!


Tham khảo: Những phương pháp học tiếng Nhật hiệu quả

Nikko là khu du lịch nổi tiếng nhất Nhật Bản mỗi khi nhắc đến vào mùa thu. Đây là điểm tham quan lịch sử nổi tiếng được biết đến là Di sản Thế giới và Quốc bảo bởi cảnh thiên nhiên hữu tình tuyệt đẹp, thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh thác Kegon - một trong Tam đại danh thác Nhật Bản, cùng với 48 thác nước khác mang danh "48 thác Nikko" tạo nên sự kết hợp hoàn hảo với màu sắc rực rỡ của lá phong đỏ thì núi Hangetsu cũng được coi là một điểm đến không thể bỏ qua mỗi dịp ghé thăm Nikko. Hãy cùng mình điểm qua địa danh này nhé!


 Hangetsu là ngọn núi nằm ở thành phố Nikko, tỉnh Tochigi, nổi tiếng với tầm nhìn panorama tuyệt đẹp có thể bao quát hồ Chuzenji và các ngọn núi xung quanh Nikko. Đây cũng là điểm đến phổ biến cho các hoạt động leo núi, thu hút nhiều người ghé thăm nhất là vào mùa thu. Với độ cao 1753m từ đài quan sát trên núi Hangetsu hướng ra phía hồ Chuzenji với núi Nantai làm nền, bạn có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh hồ cùng khung cảnh thơ mộng của đảo Hatchō nổi tiếng với lá phong đỏ rực rỡ.

 

Để lên được đài quan sát bạn phải leo khoảng 20 phút từ bãi đỗ xe. Phía bên phải đài quan sát có nhiều cây cối che khuất tầm nhìn nên chỉ có 2-3 vị trí tốt ở bên trái để chụp ảnh (thường các nhiếp ảnh gia sẽ đến sớm để săn được góc máy đẹp).

(Ảnh mình tự chụp - Copyright Sharewithchi)  

Thông tin chi tiết

Địa chỉ: 〒321-1661 栃木県日光市中宮祠

Phương thức đi lại: Từ ga JR Nikko trên tuyến JR Nikko Line hoặc ga Tobu Nikko trên tuyến Tobu Nikko Line đi xe buýt Tobu đến Chuzenji Onsen(中禅寺温泉) khoảng 45 phút, xuống tại trạm "Chuzenji Onsen", đổi sang xe buýt đến Hangetsu san(半月山), xuống tại trạm này rồi đi bộ khoảng 30 phút.

 

 Thuế là một khoản tiền không nhỏ mà chúng ta ai cũng có nghĩa vụ đóng khi sinh sống ở Nhật. Bản thân mình lúc mới sang cũng rất mơ hồ về các loại thuế (thuế thị dân, thuế thu nhập, thuế tiêu dùng...). Sau một thời gian tìm hiểu thì mình có biết đến ふるさと納税 (Furusato nouzei) – một cách để có thể tiết kiệm kha khá khoản thuế mà mình phải đóng. Hãy cùng mình tìm hiểu trong bài này nhé!

  

1.     ふるさと納税 là gì?

ふるさと納税 (Furusato Nouzei) là hệ thống đóng góp tài trợ cho các địa phương tại Nhật

thông qua việc gửi tiền đến các tổ chức chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển và hỗ trợ cho vùng địa phương đó. Nói nôm na là thay vì bạn đóng thuế cho nơi bạn đang sinh sống, thì bạn đóng một phần thuế cho các địa phương khác và sẽ được nhận lại quà đáp lễ ( thường là các đặc sản hay vật phẩm nổi tiếng của địa phương đó) tương ứng với 30~50% số tiền mà các bạn đã đóng góp.

Hệ thống này đã được chính phủ Nhật Bản áp dụng để tạo động lực cho việc hỗ trợ đặc biệt cho các vùng hoặc tổ chức chính quyền địa phương cụ thể trong nước. Số tiền đóng góp có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau cho các hoạt động phát triển địa phương, nông nghiệp, giáo dục, hoạt động văn hóa, thúc đẩy du lịch, bảo vệ môi trường và nhiều lĩnh vực khác.

 

2.     Các điểm nổi bật của hệ thống ふるさと納税

Furusato nouzei có nhiều lợi ích cho cả cá nhân tham gia và cả địa phương được nhận đóng góp. Theo như mình tìm hiểu thì hệ thống này có một số điểm nổi bật như sau:

▶ Hệ thống này cho phép bạn khấu trừ một phần số tiền đóng góp khỏi thuế thu nhập cá nhân và thuế cư trú năm đó. Điều này giúp bạn đóng góp cho vùng địa phương và đồng thời giảm thiểu mức thuế mà bạn phải đóng theo quy định.

▶ ふるさと納税được thiết kế đặc biệt để thúc đẩy sự chuyển dịch vốn từ các thành phố lớn đến các vùng nông thôn và tỏa ra các vùng địa phương, giúp thúc đẩy sự phát triển và kích thích hoạt động kinh tế ở các vùng địa phương.

▶  Người đóng góp có thể tự chọn vùng hoặc dự án mà họ muốn hỗ trợ và thực hiện đóng góp cho chính quyền địa phương đó. Trong khi đó, các tổ chức chính quyền địa phương có thể sử dụng hệ thống ふるさと納税để quảng bá về đặc sản, địa điểm du lịch... của khu vực và tài trợ cho các hoạt động phát triển địa phương. Hệ thống này mang lại lợi ích cho cả cộng đồng địa phương và người đóng góp.

 

3.     Quy trình đăng kí ふるさと納税

 


Bước 1: Kiểm tra giới hạn khấu trừ cho khoản đóng góp

Trước khi đóng góp, bạn nên kiểm tra giới hạn khấu trừ cho khoản đóng góp. Số tiền được khấu trừ từ khoản "Furusato nouzei" sẽ khác nhau tùy thuộc vào thu nhập hàng năm và cấu trúc gia đình của bạn.

Công cụ simulation giúp tính khoản đóng góp: ふるさと納税シミュレーション

Bước 2: Quyết định địa phương để đóng góp và đăng ký

Sau khi quyết định địa phương đóng góp phù hợp với tiêu chí của bạn dựa trên các yếu tố như quà tặng đáp lễ hay khu vực muốn ủng hộ, hãy chọn và mua các vật phẩm thông qua các trang web dành riêng cho Furusato nouzei.

Link đăng kí vật phẩm qua Rakuten:  楽天ふるさと

 

Bước 3: Nhận "Quà tặng đáp lễ" và "Giấy chứng nhận nhận quyên góp"

Từ chính quyền địa phương, bạn sẽ nhận được "Quà tặng đáp lễ" là các vật phẩm mà bạn đã chọn, cùng với "Giấy chứng nhận nhận quyên góp" làm bằng chứng cho khoản tiền quyên góp. Thời gian nhận "Quà tặng đáp lễ" sẽ khác nhau tùy theo địa phương và loại vật phẩm mà bạn đã đăng ký.

 

Bước 4: Thực hiện thủ tục khấu trừ thuế

Để được khấu trừ thuế, bạn cần phải thực hiện thủ tục 確定申告(Khai báo thuế) hoặc đăng ký áp dụngワンストップ特例制度(chế độ Onestop).

 

 

ワンストップ特例制度

(chế độ Onestop)

確定申告(Khai báo thuế)

Khái niệm

Onestop là chế độ giúp bạn có thể đơn giản hóa việc đăng ký khấu trừ tiền Furusato Nouzei mà không cần phải khai báo quyết toán thuế nếu đáp ứng các điều kiện dưới đây.

Khai báo quyết toán thuế là thủ tục tự mình tính toán số thuế phải trả dựa trên thu nhập trong năm, sau đó khai báo cũng như nộp thuế cho cơ quan thuế. Để được khấu trừ thuế Furusato nouzei bạn cần phải thực hiện khai báo quyết toán.

Điều kiện

▶Những người không cần khai báo quyết toán thuế cuối năm (công nhân viên...)

▶Chỉ được đóng góp dưới 5 địa phương

▶Những người phải khai báo quyết toán thuế cuối năm ( tự kinh doanh, freelancer...)

▶Đóng góp từ 6 địa phương trở lên

Cách đăng ký

Mỗi khi thực hiện quyên góp cho từng địa phương, bạn cần nộp đơn đăng ký và giấy tờ chứng minh nhân thân cho chính quyền địa phương có liên quan.

Mỗi năm một lần, bạn cần nộp Chứng nhận nhận quyên góp cùng các giấy tờ khai báo quyết toán thuế cho cơ quan thuế vào cuối năm.

Thời hạn đăng ký

Trước ngày 1 tháng 10 hằng năm

Trước ngày 15 tháng 3 của năm kế tiếp (năm đóng Furusato Nouzei)

 

Sau khi khai báo đầy đủ số tiền bạn đã đóng góp cho các địa phương, chi cục thuế sẽ tiếp nhận và chia se thông tin cho bên ủy ban nơi bạn đang sinh sống để khấu trừ phần thuế thị dân cho năm tiếp theo. 

 

4. Kết

Việc tận dụng Furusato Nouzei không chỉ giúp đóng góp cho các địa phương mà còn giúp bản thân chúng ta tiết kiệm được kha khá khoản thuế phải đóng. Bên cạnh việc các vật phẩm đáp lễ cũng rất phong phú, đa dạng và có giá trị thì các bước đănng ký cũng hết sức đơn giản. 

Đừng bỏ lỡ cách tiết kiệm thuế bằng Furusato Nouzei nhé!   

Có thể bạn quan tâm: Nên đầu tư như thế nào ở Nhật


Thời tiết ở Nhật đang dần chuyển sang thu, cảnh đẹp của thiên nhiên nơi này sẽ sớm được nhuộm sắc đỏ rực rỡ của những tán lá phong. Đi ngắm lá đỏ là một nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản, mang đến cho bạn những trải nghiệm đặc biệt khi được hòa mình vào những cảnh đẹp tuyệt vời có thể chữa lành tâm hồn.

Bài viết này mình sẽ tổng hợp thông tin về các địa điểm ngắm lá phong đỏ nổi tiếng và thời điểm đẹp nhất theo các vùng miền khác nhau của Nhật trong năm 2023. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho bạn trong việc lên kế hoạch tận hưởng mùa thu năm nay tại Nhật Bản nhé!

1.    Vùng Hokkaido

Thời gian dự kiến: Giữa tháng 9 đến cuối tháng 10

Các địa điểm tham quan đẹp:

▶l大雪山 (núi Daisetsu): 北海道上川郡東川町ノカナン

▶l  札幌 ( Sappporo): 北海道札幌市

▶l  定山渓温泉 ( khu onsen Jouzankei): 北海道札幌市南区定山渓温泉

2.    Vùng Tohoku

Thời gian dự kiến: Cuối tháng 10 đến cuối tháng 11

Các địa điểm tham quan đẹp:

▶l  奥入瀬渓流 ( Suối Onraseikeiryuu): 青森県十和田市奥瀬

▶l  白神山地 ( Vùng đồi Shirakami): 青森県南西部~秋田県北西部

▶l  八甲田山 ( Núi Hakkoda): 青森県青森市荒川寒水沢

3.    Vùng Kanto

Thời gian dự kiến: Giữa tháng 10 đến đầu tháng 12

Các địa điểm tham quan đẹp:

▶l  日光 ( Nikko): 栃木県日光市

▶l  鎌倉 ( Kamakura): 神奈川県鎌倉市

▶l  箱根 ( Hakone): 神奈川県足柄下郡箱根町

4.    Vùng Chubu/ Hokuriku

Thời gian dự kiến: Đầu tháng 10 đến cuối tháng 11

Các địa điểm tham quan đẹp:

▶l  香嵐渓 (Kourankei): 愛知県豊田市足助町飯盛

▶l  白馬村 (Làng Hakuba): 長野県北安曇郡白馬村

▶l  八ヶ岳 (Dãy Yatsugayake): 山梨県北杜市高根町清里

5.    Vùng Kansai

Thời gian dự kiến: Cuối tháng 10 đến đầu tháng 12

Các địa điểm tham quan đẹp:

▶l  東福寺 (Chùa Toufuku): 京都府京都市東山区本町15丁目778

▶l  湖東三山 (Núi Kotousan): 滋賀県犬上郡甲良町大字池寺26

▶l  鶏足寺 ( Chùa Keisoku): 滋賀県長浜市木之本町古橋

6. Vùng Chukoku/ Shikoku

Thời gian dự kiến: Giữa tháng 10 đến giữa tháng 12 

Các địa điểm tham quan đẹp:

▶l  大山 (Núi Daisen): 鳥取県西伯郡大山町大山

▶l  寒霞渓 ( Dãy Kankakei): 香川県小豆郡小豆島町神懸通乙168

▶l   祖谷温泉 ( Khu onsen Iya): 徳島県三好市池田町松尾松本367-28

7.    Vùng Kyushuu

Thời gian dự kiến: Cuối tháng 10 đến đầu tháng 12

Các địa điểm tham quan đẹp:

▶l  九年庵 ( Tu viện Kunen): 佐賀県神埼市神埼町的1696

▶l  深耶馬渓 (Shinbayakei): 大分県中津市耶馬溪町大字深耶馬315

▶l  秋月城跡 ( Thành Akiduki ): 福岡県朝倉市秋月野鳥 

Lưu ý: Lịch lá đỏ có thể thay đổi dựa trên thời tiết và nhiệt độ.

Bài đăng cũ hơn Trang chủ

ABOUT ME





Just be yourself, because life’s too short to be anybody else

Bài Đăng Nổi Bật

  • IT PASSPORT LÀ GÌ? TỰ HỌC IT PASSPORT NHƯ THẾ NÀO CHO HIỆU QUẢ?
    IT Passport là gì?  IT Passport là một trong những  chứng chỉ quốc gia  của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nhằm đánh giá ...
  • KIẾM TIỀN BẰNG RAKUTEN ROOM, TẠI SAO KHÔNG ?
    Dạo gần đây có rất nhiều bạn là mẹ bỉm sữa, nhân viên văn phòng, công xưởng... muốn kiếm thêm nguồn thu nhập ngoài công việc chính. Trong ...
  • 5 CÁCH ĐỂ DUY TRÌ ĐỘNG LỰC HỌC TIẾNG NHẬT LÂU DÀI
    Học tiếng Nhật chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng, nó đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực phi thường từ người học. Trong quá trình chinh phục ...
  • NHỮNG PHƯƠNG PHÁP HỌC TIẾNG NHẬT HIỆU QUẢ NHẤT
       Hello tất cả mọi người, chào mừng mọi người đến với blog của Chi.   Ở post này mình muốn chia sẻ về cách mình đã và đang học tiếng Nh...
  • CẨM NANG DU LỊCH NHẬT BẢN MÙA THU 2023
    Thời tiết ở Nhật đang dần chuyển sang thu , cảnh đẹp của thiên nhiên nơi này sẽ sớm được nhuộm sắc đỏ rực rỡ của những tán lá phong. Đi ng...
  • NÊN ĐẦU TƯ NHƯ THẾ NÀO Ở NHẬT?
     Có tiền nhàn rỗi ở Nhật thì nên đầu tư như thế nào để sinh lời? Đây là một trong những vấn đề mà hẳn mọi người đang quan tâm nhất hiện nay ...
  • JLPT N3 - BƯỚC ĐỆM QUAN TRỌNG TRÊN HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC TIẾNG NHẬT
    Trong quá trình học tiếng Nhật, trình độ N3 được coi như một cột mốc đánh dấu rằng bạn đã bước sang một level mới đạt mức có thể giao tiếp...
  • 4 TÍNH CÁCH "XẤU" CỦA NGƯỜI NHẬT TRONG MÔI TRƯỜNG CÔNG SỞ
    Với kinh nghiệm hơn 8 năm sinh sống và làm việc tại Nhật mình đã gặp rất nhiều người Nhật với nhiều tính cách khác nhau. Cũng như tất cả mọi...

Categories

  • slide 9
  • Cuộc sống ở Nhật 4
  • Góc học tập 4
  • Thuế/Bảo hiểm/Visa 3
  • Du lịch - Trải nghiệm 2
  • JLPT 1
  • Review/Làm đẹp 1
  • Tips Tiết kiệm 1

CONNECT AND SHARE

Copyright © SharewithChi.