Với kinh nghiệm hơn 8 năm sinh sống và làm việc tại Nhật mình đã gặp rất nhiều người Nhật với nhiều tính cách khác nhau. Cũng như tất cả mọi nơi trên thế giới thì ở đâu cũng có người tốt/người xấu, người hướng nội/hướng ngoại, người lạc quan/tiêu cực... Tuy nhiên với đặc điểm là một quốc gia được bao quanh bởi biển và có lịch sử bế quan tỏa cảng lâu dài thì người Nhật có những tính cách đặc trưng không giống với những quốc gia khác trong khu vực châu Á nói chung và vùng Đông Á nói riêng. Các tính cách tốt như kỷ luật/tự giác cao, khiêm tốn, hay tinh thần tập thể cao... thì chắc hẳn đã có rất nhiều bài chia sẻ nên trong post này mình sẽ chỉ điểm qua một số tính cách của người Nhật mà theo quan điểm cá nhân mình thấy không được “tốt” cho lắm (Chú ý bài viết này dựa vào quan điểm và cảm nhận cá nhân và hoàn toàn không mang ý xúc phạm/phê phán).
1.
Ngại thay đổi và ưa sự ổn định
Người Nhật nổi tiếng với tính cách ngại thay đổi và ưa sự
ổn định. Họ rất coi trọng việc duy trì truyền thống và những phương pháp làm việc
quen thuộc, thậm chí có những người làm hơn 30 năm ở cùng một công ty. Người Nhật
không thích những thay đổi đột ngột, mà thường cần khoảng thời gian dài để có
thể thích nghi dần dần. Trong công việc, họ thường có khuynh hướng duy trì cơ cấu
và quy trình làm việc ổn định, thay vì thay đổi cấu trúc tổ chức liên tục. Người
Nhật có quan điểm "nếu nó không bị hỏng, thì đừng sửa nó", vì vậy họ
khá miễn cưỡng với việc đổi mới, cải tiến hay du nhập cái mới khi mọi thứ vẫn
đang diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu thay đổi mang lại lợi ích rõ ràng và cần
thiết, hoặc trong tình huống bắt buộc phải thay đổi thì họ vẫn sẽ chấp nhận dù
cần một quá trình thích nghi và làm quen khá là lâu. Điển hình là mỗi khi công ty hay tổ chức có thay đổi cơ cấu bộ máy hoặc áp dụng một chiến lược, hệ thống mới thì người Nhật phải mất tới vài ba tháng, thậm chí cả năm để làm quen với thay đổi đó.
2.
Rập khuôn
Một đặc điểm nổi bật nữa trong tính cách của người Nhật
là tính rập khuôn, đồng nhất cao. Người Nhật có xu hướng tuân thủ nghiêm ngặt
các chuẩn mực xã hội, quy trình làm việc và tránh làm điều gì đó khác biệt, nổi
bật. Trong công việc, họ luôn cố gắng không làm phiền đồng nghiệp và thích làm
việc theo nhóm hơn là thể hiện bản thân. Người Nhật rất coi trọng sự hòa hợp, đồng
lòng và luôn tránh đưa ra quan điểm trái chiều gây mất hòa khí. Thay vì tranh
luận, họ thường tìm kiếm sự đồng thuận và thống nhất ý kiến của nhóm. Điều này
dẫn đến tính rập khuôn cao, ít chấp nhận sự khác biệt cá nhân trong xã hội Nhật
Bản nói chung và môi trường công sở nói riêng.
3.
Tính đối ứng kém
Hầu hết người Nhật có xu hướng áp dụng cách ứng xử máy
móc dựa trên khuôn mẫu và nguyên tắc, thay vì linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh.
Trong công việc, người Nhật thường thiếu kỹ năng ứng xử linh hoạt và quyết đoán
khi đối mặt với những tình huống bất ngờ. Thay vì đưa ra quyết định nhanh
chóng, họ có xu hướng do dự và không muốn chịu trách nhiệm cá nhân nên họ thường
tham vấn ý kiến đồng nghiệp và cấp trên trước khi quyết định điều gì đó quan trọng.
Việc này cũng không hẳn là xấu khi nó giúp họ đưa ra được những quyết định đúng
đắn và tránh được các rủi ro. Tuy nhiên trong business sẽ có nhiều trường hợp cấp bách cần phải đưa ra quyết
định ngay lập tức thì chính điều này làm bỏ lỡ nhiều cơ hội hiếm có. Ngoài ra,
trong các cuộc họp người Nhật cũng ít khi đưa ra ý kiến mới mẻ và thường đồng
tình theo quan điểm chung. Họ rất ngại va chạm và tranh luận, nên thường tránh
phản biện ý kiến của cấp trên hay đồng nghiệp. Điều này khiến họ kém linh hoạt
trong việc điều chỉnh cách làm việc khi hoàn cảnh thay đổi.
4.
Thảo mai, ngại chê bai hoặc từ chối người khác
Người Nhật nổi tiếng với lối sống thảo mai, ngại chê bai hay từ chối thẳng lời đề nghị của người khác. Họ rất tế nhị, khéo léo để ý đến cảm xúc và nhu cầu của người khác. Người Nhật thường quan sát và lắng nghe kỹ càng trước khi đưa ra lời khuyên hay hành động giúp đỡ ai đó. Họ cũng rất nhẹ nhàng, không ép buộc ý kiến của mình lên người khác. Trong giao tiếp, người Nhật tránh nói thẳng ra điều gì có thể khiến đối phương khó chịu. Thay vào đó, họ dùng ngôn ngữ ám chỉ, ẩn dụ để gợi ý gián tiếp. Việc này giúp đối phương không phật ý hay cảm thấy bị tổn thương, tuy nhiên có rất nhiều trường hợp thay vì nói vòng vo, giải thích dài dòng thì mình thấy việc nói thẳng sẽ tốt và tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều. Đặc biệt đối với người nước ngoài khi làm việc trong công ty Nhật, việc hiểu được những ẩn ý đằng sau lời nói của người Nhật rất khó vì một phần vừa phải đạt được một level tiếng Nhật nhất định, một phần vừa phải hiểu được tính cách của người Nhật cũng như nắm bắt được tình hình ở hoàn cảnh đó (người Nhật hay dùng từ 空気を読む).
KẾT
Nhìn chung, trong công việc, người Nhật thể hiện một số nét tính cách tiêu cực như ngại thay đổi, thiếu linh hoạt và quyết đoán, hay né tránh xung đột trực tiếp. Các đặc điểm này có thể gây trở ngại cho việc ra quyết định nhanh chóng và thích ứng với những thay đổi, đòi hỏi cao trong kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan rằng những nét văn hóa ấy có nguồn gốc từ truyền thống tôn trọng hài hòa, khiêm nhường và hợp tác nhóm của người Nhật. Kinh nghiệm của bản thân mình để có thể hòa nhập vào môi trường công sở và làm việc chung với người Nhật đó là chấp nhận và tôn trọng những tính cách “Xấu” này của họ. Mình nhận thấy việc thay đổi những tính cách này là điều không thể vậy nên mình bắt đầu thay đổi bản thân để có thể hòa hợp với những tính cách này ( học tiếng Nhật business để có thể hiểu ẩn ý của đối phương, đọc sách để hiểu hơn về tính cách của người Nhật hay học hỏi cách nêu ra ý kiến một cách tự nhiên trong mỗi cuộc họp...). Để làm việc được tròn môi trường công sở của công ty Nhật không chỉ đòi hỏi trình độ tiếng Nhật mà còn đòi hỏi bạn phải hiểu rõ về văn hóa, tính cách và phong thái làm việc của người Nhật.
Chúc các bạn sớm
tìm ra cách cho riêng mình để có thể dễ dàng hợp tác với người Nhật và nâng cao
năng suất làm việc!
0 Comments