SharewithChi
SharewithChi
  • Home
  • Contents
    • Góc học tập
    • Cuộc sống ở Nhật
      • Review/Làm đẹp
      • Thuế/Bảo hiểm/Visa
    • Du lịch Trải nghiệm
  • Social
    • Facebook
    • TikTok
    • Instagram
    • Youtube
  • Contact me


IT Passport là gì?

 IT Passport là một trong những chứng chỉ quốc gia của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nhằm đánh giá xem người thi có hiểu biết cơ bản về công nghệ thông tin hay không. Trong các chứng chỉ quốc gia về CNTT, IT Passport được xem là mức độ cơ bản nên không chỉ có các kỹ sư CNTT mà cả các nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh và sinh viên cũng có thể đăng kí thi. Theo thống kê của Bộ CNTT năm 2021 đã có hơn 200.000 người tham gia kỳ thi này với tỉ lệ đỗ khoảng 49,2%.

 Việc vượt qua kỳ thi IT Passport cho thấy bạn có kiến thức cơ bản về CNTT. Bên cạnh đó việc học IT Passport sẽ giúp bạn có được kiến thức cần thiết tối thiểu về CNTT để có thể ứng dụng vào công việc, cũng như làm cơ sở cho những kỳ thi tiếp theo như 基本情報技術者試験 (FE) hay 応用情報技術者試験 (AP). Vì kỳ thi cũng bao gồm các kiến thức về kinh doanh, quản lý dự án nên mình nghĩ đây là một trong những chứng chỉ rất có giá trị cho việc tìm hoặc chuyển việc.


Khái quát về kì thi IT Passport

Ngày tổ chức kì thi

Tất cả các ngày trong năm tùy theo địa điểm đăng ký

Link đăng ký: IT Passport 試験申込

Địa điểm thi

Có tất cả địa điểm thi trên 47 tỉnh ở Nhật

Lệ phí thi

7500 yên

 

Cách thức và thời gian làm bài thi

Cách thức: Thi và chấm điểm trên máy tính

( hình thức trắc nghiệm)

Thời gian:  120 phút

 

 

 

Phạm vi đề thi

Tổng đề thi 100 câu

▶ 35 câu về Chiến lược (ストラテジー): các kiến thức về quản trị kinh doanh, sale, marketing...

▶ 20 câu về Quản lý(マネジメント): các kiến thức liên quan đến quản lý CNTT, quản lí dự án...

▶ 45 câu về Công nghệ/Kỹ thuật(テクノロジー): các kiến thức liên quan đến công nghệ thông tin như quản lý dữ liệu, hardware, software, lập trình...

 

 Cách tính điểm

Tổng điểm và điểm từng lĩnh vực phải đạt tiêu chí sau:

※ Tổng điểm: Trên 600/1000 điểm

※ Điểm mỗi lĩnh vực: Trên 300/1000 điểm



Đánh giá kì thi IT Passport

 Theo mình IT Passport không quá khó kể cả với những bạn học ban Xã hội như mình, nhưng vì phạm vi ra đề quá rộng (không chỉ về IT mà còn về quản trị doanh nghiệp, quản lý dự án...) nên việc đỗ được kỳ thi này có hơi khó khăn. Nếu là một người hoàn toàn chưa có kiến thức nền về IT thì việc học và thi bằng tiếng Nhật cũng là một trở ngại khá lớn khi yêu cầu khả năng đọc hiểu của bạn phải đạt mức khá ( tầm N2 trở lên).

 

Cách học IT Passport hiệu quả

 Đối với một người đang đi làm như mình thì việc học và lấy chứng chỉ IT Passport cũng gặp nhiều khó khăn khi thời gian đầu mình không lập kế hoạch cụ thể và không đảm bảo được thời gian học, do đó lượng kiến thức mình tiếp thu được rất ít và hầu như toàn học trước quên sau. Sau khi tham khảo ý kiến của mấy anh chị đã đỗ kỳ thi này thì mình cũng tự tìm ra được các phương pháp hiệu quả và phù hợp nhất.


1.    Lập lịch học tập

Điều quan trọng đầu tiên là lập một lịch học tập cụ thể. Các bạn nên tính toán ngược từ ngày thi để xem cần học như thế nào, với tốc độ ra sao để đạt mục tiêu là vượt qua kỳ thi. Kỳ thi IT Passport được tổ chức thường xuyên, cho phép bạn được lựa chọn thời điểm thi phù hợp với bản thân. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ "học xong rồi thi" thì rất có thể bạn sẽ cứ trì hoãn mãi và cuối cùng là đến kỳ thi mà vẫn chưa học đủ kiến thức. Vì vậy, theo mình thì bạn hãy chỉ định trước ngày thi, đăng ký địa điểm thi sớm (các địa điểm tốt thường sớm bị full), rồi mới xây dựng lịch học phù hợp để chuẩn bị. Đặt ra thời hạn cụ thể như vậy sẽ giúp ích rất nhiều cho việc quản lý thời gian học.

2.    Lặp lại quá trình tiếp nhận và vận dụng kiến thức

Đối với mình việc lặp lại quá trình tiếp nhận và vận dụng kiến thức là vô cùng quan trọng. Tiếp nhận kiến thức mới (input) là điều cần thiết, nhưng để hiểu rõ là mình đã nắm bắt được những gì và phải dùng kiến thức đó thế nào để lấy điểm cao trong kỳ thi thì việc vận dụng kiến thức (output) cũng quan trọng không kém. Quá trình lặp lại việc tiếp nhận và vận dụng kiến thức sẽ giúp nâng cao cả khối lượng và chất lượng kiến thức cần thiết để vượt qua kỳ thi. Sau khi nắm vững kiến thức, các bạn nên sớm thực hành làm đề cũ hoặc đố bạn bè, đồng nghiệp những câu hỏi liên quan đến IT Passport để hiểu và nhớ được lâu hơn.

3.    Làm đề thi các năm trước nhiều lần

Để vượt qua kỳ thi nhanh nhất, mình cực kì khuyến khích các bạn nên làm đi làm lại các đề thi cũ. Vì đề thi các năm trước là những câu hỏi thực tế đã ra trong kỳ thi IT Passport, nên việc giải đề thi cũ là cần thiết để nắm bắt xu hướng ra đề của kỳ thi thật. Lưu ý khi làm đề cũ các năm là không nên học thuộc lòng đáp án mà thay vào đó, bạn cần hiểu rõ nội dung, nắm bắt xu hướng ra đề để có thể ứng dụng khi gặp các câu tương tự (thường thì đề thi sẽ không bị trùng lặp về cách diễn đạt).

Trang luyện đề: IT Passport 過去問道場

                          みちもとデジタル

4.    Tận dụng thời gian rảnh để học hiệu quả

 Để có thời gian học tập liên tục và tập trung các bạn cần sắp xếp lịch học cụ thể. Tuy nhiên, đối với người đang đi làm như mình thì việc có những khoảng thời gian dài, thoải mái như vậy là rất khó. Thay vào đó mình đã tận dụng những khoảng thời gian rảnh như thời gian di chuyển trên tàu, nghỉ giải lao, chờ tàu... để ôn tập và làm đề cũ. Chỉ cần tận dụng khối thời gian rảnh này cũng đủ để có thể đạt mục tiêu vượt qua kỳ thi mà không nhất thiết phải có những khối thời gian học liên tục. Để tận dụng thời gian rảnh một cách hiệu quả, mình thường chọn các video ngắn, sách có thể học từng phần để có thể học dở dang rồi tiếp tục sau. Đây là những yếu tố then chốt để tận dụng hiệu quả thời gian rảnh rỗi trong ngày.

▶ Kênh Youtube về IT Passport:    ITパスポート 絶対合格の講座

▶ Sách IT Passport mình đã học :  一番やさしいITパスポート

                                                      栢木先生のITパスポート

5.    Tra cứu từ chuyên ngành bằng tiếng Việt

 Vì là người nước ngoài nên đã có nhiều lần mình gặp các từ vựng chuyên ngành mà mình không hiểu nghĩa. Thay vì để bản thân đọc và hiểu bằng tiếng Nhật một cách mông lung thì mình tìm và tra cứu các tài liệu bằng tiếng Việt. Việc này không chỉ giúp mình hiểu rõ bản chất và cách dùng các từ đó mà còn giúp mình nhớ được lâu hơn.


Kết

 Để học và đỗ được kỳ thi IT Passport thì yêu cầu người học phải có một lịch học cụ thể và những phương pháp học hiệu quả. Việc đỗ kì thi này sẽ rất có ích trong việc tìm kiếm các cơ hội việc làm mới cũng như vận dụng kiến thức vào công việc để cải thiện hiệu suất làm việc. 

 Hi vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp các bạn hiểu hơn về kì thi IT Passport và tìm được cho mình những phương pháp học hiệu quả.


Tìm hiểu về kiếm tiền bằng Rakuten Room


Dạo gần đây có rất nhiều bạn là mẹ bỉm sữa, nhân viên văn phòng, công xưởng... muốn kiếm thêm nguồn thu nhập ngoài công việc chính. Trong bài viết này, mình - một nhân viên văn phòng đồng thời là một “bloger và Rakuten ROOMer mới vào nghề” , sẽ chia sẻ chút ít kiến thức của bản thân về những ưu và nhược điểm của Rakuten ROOM nhé!

Rakuten ROOM là gì?

ROOM là mạng xã hội mua sắm, giới thiệu các sản phẩm yêu thích của bạn trên trang Rakuten. Nếu ai đó mua sản phẩm thông qua phòng của bạn, bạn sẽ được tặng point Rakuten tương ứng 2-4% giá trị sản phẩm đã bán. Tùy vào số lượng và giá trị sản phẩm mà người dùng mua thông qua Room của bạn mà thu nhập có thể nhiều hay ít ( bản thân mình đã có tháng kiếm được hơn 3 man).

 "Rakuten ROOM" rất phù hợp cho những người lần đầu làm thêm, bởi vì bạn có thể bắt đầu một cách nhẹ nhàng mà không cần vốn đầu tư cũng như có thể kiếm thêm ít thu nhập trong một thời gian ngắn.

Ưu điểm

1. Có thể thoái mái làm trong thời gian rảnh

 Rakuten ROOM là mạng xã hội nên hầu như không cần kiến thức chuyên môn, ai cũng có thể bắt đầu dễ dàng chỉ với một chiếc điện thoại, ipad hay máy tính. Trong khi các công việc baito thường yêu cầu thời gian làm việc ít nhất 3 tiếng liên tục trở lên thì Rakuten ROOM cho phép bạn đăng sản phẩm thoải mái bất cứ lúc nào như trên đường đi làm, giờ nghỉ trưa, trước khi ngủ...

 

2. Không tốn chi phí vận hành

 Rakuten ROOM đăng ký miễn phí nên không mất chi phí khởi đầu. Bạn cũng không cần phải có hàng trong kho và dành thời gian quản lý hay vận hành nó thay vào đó chỉ cần đăng thông tin về sản phẩm ở trong ROOM của mình.

 

3. Dễ dàng quy đổi doanh thu ra thu nhập cá nhân

 So với các công việc làm thêm trực tuyến khác như viết blog hay sáng tạo nội dung trên YouTube, bạn có thể tạo ra thu nhập tương đối nhanh với Rakuten ROOM. Bản thân mình đang làm hai công việc thêm là viết blog và Rakuten ROOM. Từ khi tạo blog đến bây giờ mình vẫn chưa có thu nhập nhưng với Rakuten ROOM thì mình chỉ mất 10 ngày là có lợi nhuận ban đầu.

 

4. Có các tính năng mạng xã hội như theo dõi, like

 ROOM có các tính năng mạng xã hội có thể tương tác với nhau giống Twitter hay Instagram như "theo dõi" người dùng yêu thích, "thích" bài đăng hay sản phẩm. Việc có được càng nhiều followers càng dễ thu hút được nhiều tương tác vì trên Rakuten ROOM, các bài đăng mới sẽ được ưu tiên hiển thị đầu tiên trên trang chủ.

 

5. Có thể khám phá các sản phẩm mới mẻ

 Bạn có thể xem các bài đăng của người dùng khác để tìm ra những sản phẩm hấp dẫn mà bạn chưa biết như các sản phẩm tiện dụng sáng tạo giúp phong phú cuộc sống, các sản phẩm rẻ hơn mua ở cửa hàng, các sản phẩm độc quyền của các shop trên Rakuten... Đối với mình đây là một ưu điểm khá thú vị của Rakuten ROOM vì giúp cho người dùng không chỉ kiếm được thêm thu nhập mà còn thu thập được nhiều thông tin mua bán hữu ích.

 

6. Có thể tối ưu hóa công việc đăng bài khi đã có nền tảng

 Điều khó khăn nhất ở Rakuten ROOM là viết mô tả sản phẩm sao cho đầy đủ, thú vị để thu hút được nhiều người đọc và mua sản phẩm đó. Tuy lúc đầu phải nghĩ ra và nhập nội dung từ đầu hơi mất thời gian, nhưng có thể dùng một form cho nhiều sản phẩm nên có thể tối ưu hóa công đoạn này. Ví dụ bạn có thể tạo sẵn các mẫu cho từng loại sản phẩm (mỹ phẩm, đồ gia dụng, hoa quả...) và bạn chỉ cần điền vào các phần cần thiết là có thể đăng bài nhanh chóng, tiết kiệm thời gian soạn thảo cho mỗi bài.

 

7. Nhận thêm điểm thưởng hạng nếu B hạng trở lên

 Rakuten ROOM có hệ thống xếp hạng, từ B hạng trở lên bạn sẽ được nhận thêm điểm thưởng hạng từ ROOM ngoài thù lao thường từ Rakuten Affiliate ( thu nhập từ mỗi sản phẩm bán được). Đây là điều rất tuyệt vời vì chỉ có Rakuten ROOM mới cho phép nhận thù lao kép khi giới thiệu sản phẩm Rakuten thông qua Affiliate.

 

Nhược điểm

 

Rakuten ROOM rất phù hợp cho người mới bắt đầu làm thêm với nhiều lợi ích, nhưng cũng có 2 nhược điểm sau:

 

1. Khó khăn khi tạo nền tảng ban đầu ( form đăng bài )

 Giống các mạng xã hội khác, Rakuten ROOM cũng phải có một lượng bài đăng nhất định để thu hút sự quan tâm của người đọc. Trong giai đoạn đầu, quá trình "tìm sản phẩm, viết mô tả và đăng bài" khá nhàm chán và tốn thời gian. Nhưng như mình chia sẻ ở trên, chỉ cần tạo sẵn các form cho từng sản phẩm thì việc đăng bài sau này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

 

2. Phải đáp ứng điều kiện mỗi tháng để duy trì hạng

 Từ B hạng trở lên bạn sẽ nhận được điểm thưởng đặc biệt nhưng để duy trì hạng bạn cần đăng tối thiểu 3 ảnh gốc mỗi tháng. Tức là bạn phải thực sự mua sản phẩm mà mình giới thiệu, chụp ảnh và đăng bài lên. Nhưng chỉ cần 3 tấm mỗi tháng nên mình nghĩ cũng không quá khó khăn.

Kết


Trên đây mình đã chia sẻ 7 ưu điểm và 2 nhược điểm khi làm Rakuten ROOM. Theo cá nhân mình thì để vận dụng tối đa thời gian rảnh và kiếm thêm thu nhập mà không cần đầu tư quá nhiều thì Rakuten ROOM vẫn là 1 lựa chọn thích hợp. Các bạn hãy thử ngay nhé!

   Link đăng kí:  Rakuten ROOM


 Có tiền nhàn rỗi ở Nhật thì nên đầu tư như thế nào để sinh lời? Đây là một trong những vấn đề mà hẳn mọi người đang quan tâm nhất hiện nay khi vật giá và thuế ở Nhật ngày càng tăng nhưng tỷ giá Yên-VND ngày càng thấp. Hãy cùng mình tìm hiểu về các cách có thể đầu tư sinh lời ở Nhật trong post này nhé!

1. Gửi tiết kiệm dài hạn

 So với Việt Nam thì lãi suất gửi tiết kiệm ở Nhật khá thấp, chỉ 0,2 ~ 0,3% tùy vào ngân hàng và kì hạn mà bạn chọn. Ví dụ bạn gửi 100 man, với kì hạn 12 tháng với mức lãi suất 0,3% thì số tiền bạn nhận được sẽ chỉ là 3000 yên/năm. 

2. Đầu tư chứng khoán

 Đây là cách đầu tư sinh lời nhanh nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất vì yêu cầu bạn phải có kiến thức về thị trường chứng khoán cũng như am hiểu về các công ty mà các bạn định đầu tư. Thông thường, khi đầu tư chứng khoán hay các loại hình đầu tư khác, các bạn sẽ phải trả khoảng 20% tiền thuế cho phần lợi nhuận (lợi nhuận giao dịch, cổ tức, lợi ích cổ đông) mà bạn nhận được.

Tuy nhiên, nếu bạn đăng ký tài khoản theo chế độ NISA, bạn sẽ được miễn thuế cho phần lợi nhuận nhận được nếu giao dịch một năm nằm trong hạn mức quy định.

Đối tượng có thể tham gia NISA là người trên 20 tuổi đang sinh sống tại Nhật. Có thể bắt đầu đầu tư NISA từ 100 yên trở lên nên đây là một kênh đầu tư đang được rất nhiều người quan tâm. Có 2 loại NISA đó là NISA thường, và Tsumitate NISA

▶NISA thường: Thích hợp với các bạn đã có kiến thức nền về chứng khoán hoặc từng có kinh nghiệm đầu tư. Hạn mức đầu tư là 120 man/năm, có thể mua chứng khoán của các công ty trong và ngoài nước. Được miễn thuế lên tới 600 man ( 120man*5 năm)

▶Tsumitate NISA: Thích hợp với các bạn chưa có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán. Hạn mức đầu tư là 40 man/năm, chỉ có thể mua các chứng khoán đạt tiêu chuẩn đầu tư của chính phủ. Được miễn thuế lên tới 800 man (40 man*20 năm)

Hiện tại có các sàn chứng khoán như SBI, Rakuten, Manekusu...

3. Đầu tư tiền điện tử (coin)

 Chắc hẳn đây cũng là một kênh đầu tư không hề xa lạ với mọi người khi Nhật Bản đã vượt mặt Mỹ để trở thành thị trường giao dịch Coin lớn nhất trên thế giới. Sàn ở Nhật thì giao dịch khá ít coin, chủ yếu là mấy coin top nên nếu bạn muốn mua bán nhiều loại coin khác nhau thì bạn nên dùng tài khoản ở các sàn quốc tế lớn như Binance , Houbi,..

Tuy nhiên cũng như chứng khoán thì đầu tư vào tiền điện tử có rất nhiều rủi ro khi thị trường này chưa thực sự ổn định. Người đầu tư phải thực sự sáng suốt và tìm đúng thông tin mình cần, đọc và nghiên cứu đúng trọng tâm giúp bạn hiểu vấn đề, đưa ra kết luận chính xác. 

Top 5 sàn giao dịch tiền điện tử ở Nhật: Bitflyer , Zaif. , GMO Coin. , Coincheck , BitBank.

4. Đầu tư bất động sản

 Thị trường bất động sản ở Nhật không thực sự sôi động như ở Việt Nam do nhiều nguyên nhân như già hóa dân số, chính sách về bất động sản của Chính phủ Nhật cũng như chính sách về thuế chuyển nhượng/thừa kế... Ngoài ra giá bất động sản chênh lệch khá nhiều giữa các vùng thành thị và nông thôn nên không thích hợp để đầu tư mua đất nền như ở Việt Nam. 

Nếu muốn đầu tư mảng này thì cách tối ưu nhất là mua căn hộ và cho thuê lại. Đây là một trong những cách mang lại lợi ích lâu dài và ổn định tuy nhiên yêu cầu số vốn ban đầu khá cao ( vùng Tokyo từ 3000 man~, vùng nông thôn từ 2500 man~), mất phí tu sử và bảo trì nhà hàng năm cũng như không có đảm bảo người thuê...

Kết: Trên đây là 4 cách đầu tư thường thấy nhất ở Nhật, ngoài ra còn có các cách đầu tư khác như đầu tư vào ngoại hối, đầu tư kinh doanh hay mua bảo hiểm... Mỗi loại đầu tư sẽ có ưu và nhược điểm của nó. Hi vọng những chia sẻ trên đây sẽ phần nào giúp các bạn tìm được kênh đầu tư thích hợp nhất cho mình!

 

 Hello tất cả mọi người, chào mừng mọi người đến với blog của Chi. 

 Ở post này mình muốn chia sẻ về cách mình đã và đang học tiếng Nhật như thế nào. Hồi mới sang, tuy có nền tảng là gần 1 năm học ở Đại học chuyên ngành ngôn ngữ Nhật nhưng trình độ tiếng Nhật của mình lúc đó chỉ tầm N5 ( học đến bài 40 của sách Minano Nihongo), chỉ biết chào hỏi mấy câu cơ bản như こんにちは、ありがとうございます、すみません...

 Mình du học tự túc nên ngoài thời gian học ở trường mình còn phải làm thêm, do đó khối thời gian của mình vô cùng hạn hẹp, tiếng Nhật của mình giai đoạn đầu không hề có tiến bộ và mình đã gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, sau khi tự tìm được cho mình 5 phương pháp học sau đây thì tiếng Nhật của mình đã được cải thiện rất nhiều, cũng nhờ vậy mà mình đã lấy được bằng JLPT N1 chỉ sau hơn 1 năm đến Nhật ( tháng 12/2016).

 

1. Shadowing


 Chắc hẳn mọi người cũng từng nghe qua phương pháp Shadowing này. Đầu tiên các bạn chỉ cần mở Podcast, Youtube hay kể cả Tiktok bằng tiếng Nhật lên, nghe và phát âm lại những âm mà các bạn vừa nghe. Lúc đầu mình không hề để ý rằng mình nói có đúng hay không, tiếng Nhật có bị sai ngữ pháp hay không mà mình chỉ tập trung nói-phát âm ra những gì mình vừa nghe được. Sau khi quen hơn thì mình bắt đầu để ý và cố gắng bắt chước giọng điệu, nhấn âm và cả cử chỉ của người nói. Đối với mình shadowing giúp mình đồng thời luyện được cả 2 kỹ năng là nghe và nói nên đây là 1 trong những cách mà mình cực khuyến khích mọi người áp dụng khi học ngoại ngữ. Hiện tại có rất nhiều kênh để các bạn có thể luyện shadowing tùy theo trình độ hiện tại của bản thân, nhưng mình hay luyện ở đây nhất: 日本語を話そう(中・上級編)

 

2. Đọc tiếng Nhật bằng miệng


 Nếu có thể hãy đọc những văn bản bằng tiếng Nhật mà bạn thấy ( sách, báo, các bài đăng ở Facebook vv..) bằng cách phát âm bằng miệng. Lúc đọc không chỉ đọc ngang mà hãy chú ý tới phát âm, ngữ điệu và nhấn âm của từng từ. Bằng cách này bạn sẽ nhận ra mình yếu ở những âm tiết nào, những chữ Kanji nào để có thể cải thiện những điểm đó. Ngoài ra theo như mình tìm hiểu thì việc đọc phát âm thành tiếng cũng giúp não bộ mình tiếp nhận thông tin một cách nhanh hơn.

 

3. Ghi âm hoặc quay lại video mình nói tiếng Nhật


Khi bạn shadowing hay đọc tiếng Nhật bằng miệng, hãy ghi âm hoặc quay video lại và quan trọng là bạn phải nghe, xem lại những bản ghi đó để phát hiện ra những phát âm và ngữ điệu mà mình còn chưa tốt, cần cải thiện. Sau 1 khoảng thời gian nhất định các bạn nên mở lại những bản đã ghi, nghe và so sánh sự cải thiện của bản thân. Hồi mới sang Nhật khi được nhận vào làm part time ở 1 quán Combini, mình đã phải "học vẹt" một số câu có sẵn để có thể đứng ở quầy thu ngân. Tuy nhiên tiếng Nhật của mình lúc đó tệ đến nỗi nói gì khách cũng không hiểu. Thế nên khi về nhà mình tự ghi âm giọng của mình và check lại xem đã đúng hay chưa, dần dần tạo thói quen ghi âm mỗi khi đọc hay nói 1 cái gì đó và mình nhận ra đây là một cách học rất hiệu quả. Khi chúng ta nói chuyện có thể chúng ta không nhận ra lỗi sai, tuy nhiên bằng cách ghi âm và nghe lại này các bạn có thể đánh giá một cách khách quan giọng/ ngữ điệu của bản thân để có thể cải thiện. Mặc dù việc nghe lại giọng mình cũng có gì đấy hơi hơi ngại nhưng các bạn nhớ nghe lại, chú ý là đừng chỉ ghi âm xong để đấy nhé ^^

 

4. Tạo thói quen viết nhật ký mỗi ngày bằng tiếng Nhật


Bên cạnh nói thì viết cũng là một dạng output giúp chúng ta đẩy kiến thức tiếp thu được ra ngoài. Các bạn có thể viết về những việc xảy ra ngày hôm đó, hoặc những cảm xúc mà bạn cảm nhận hay những suy nghĩ trong đầu bằng cách viết ra giấy hoặc viết trên các app ghi nhớ của điện thoại. Riêng bản thân mình vì muốn luyện viết Kanji nên mình thường viết ra 1 cuốn Nhật ký riêng.Có thể nhiều bạn sẽ cảm thấy phiền, hoặc đơn giản là "ghét viết" nhưng hãy xem Nhật ký như một cách để giải tỏa tâm lý, hay đơn giản là lưu giữ lại kỷ niệm. Khi viết các bạn không cần quá chú ý tới ngữ pháp hay giọng văn, nếu có thể hãy dùng những từ mới ngày hôm đó bạn học được để dễ dàng hơn trong việc tiếp thu từ mới. Hiện tại mình đang viết 1 cuốn Nhật ký 5 năm (bắt đầu từ năm 2021), đến nay đã được hơn 2 năm và mỗi khi viết một trang mới mình có thể đọc lại cảm xúc/sự việc của ngày này những năm trước đó. Bằng cách này mình cũng tự nhận ra sự trưởng thành trong suy nghĩ của bản thân (nhiều khi đọc lại cảm thấy sao hồi đó mình Young Buffalo thế^^)

Link Nhật ký 5 năm:  日記帳 5年日記-星座


5. Tự tin và nói chuyện thật nhiều với người Nhật

Lúc trước mình là 1 đứa khá tự ti vì tiếng Nhật của mình không được tốt.

Tuy nhiên sau đó mình nhận ra việc tiếp xúc với người Nhật không chỉ giúp mình tăng kĩ năng nghe, mà còn giúp mình bắt chước được cách dùng từ, cách phát âm và cả ngữ điệu sao cho giống người bản xứ nhất. Ngoài ra khi mình sai mà được người Nhật sửa lỗi cho thì việc nhớ ngữ pháp, nhớ từ mới cũng dễ dàng hơn rất nhiều. 

 

Trên đây là 5 cách mình đã dùng để cải thiện trình độ tiếng Nhật của mình. Tùy vào mỗi cá nhân mà hiệu quả và cảm nhận có thể khác nhau, mọi người hãy tham khảo và tìm ra phương pháp học thích hợp nhất với mình nhé! 

Chúc mọi người học tiếng Nhật vui ^^


Có thể bạn quan tâm : 5 cách để duy trì động lực học lâu dài

Bài đăng mới hơn Trang chủ

ABOUT ME





Just be yourself, because life’s too short to be anybody else

Bài Đăng Nổi Bật

  • IT PASSPORT LÀ GÌ? TỰ HỌC IT PASSPORT NHƯ THẾ NÀO CHO HIỆU QUẢ?
    IT Passport là gì?  IT Passport là một trong những  chứng chỉ quốc gia  của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nhằm đánh giá ...
  • KIẾM TIỀN BẰNG RAKUTEN ROOM, TẠI SAO KHÔNG ?
    Dạo gần đây có rất nhiều bạn là mẹ bỉm sữa, nhân viên văn phòng, công xưởng... muốn kiếm thêm nguồn thu nhập ngoài công việc chính. Trong ...
  • 5 CÁCH ĐỂ DUY TRÌ ĐỘNG LỰC HỌC TIẾNG NHẬT LÂU DÀI
    Học tiếng Nhật chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng, nó đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực phi thường từ người học. Trong quá trình chinh phục ...
  • NHỮNG PHƯƠNG PHÁP HỌC TIẾNG NHẬT HIỆU QUẢ NHẤT
       Hello tất cả mọi người, chào mừng mọi người đến với blog của Chi.   Ở post này mình muốn chia sẻ về cách mình đã và đang học tiếng Nh...
  • CẨM NANG DU LỊCH NHẬT BẢN MÙA THU 2023
    Thời tiết ở Nhật đang dần chuyển sang thu , cảnh đẹp của thiên nhiên nơi này sẽ sớm được nhuộm sắc đỏ rực rỡ của những tán lá phong. Đi ng...
  • NÊN ĐẦU TƯ NHƯ THẾ NÀO Ở NHẬT?
     Có tiền nhàn rỗi ở Nhật thì nên đầu tư như thế nào để sinh lời? Đây là một trong những vấn đề mà hẳn mọi người đang quan tâm nhất hiện nay ...
  • JLPT N3 - BƯỚC ĐỆM QUAN TRỌNG TRÊN HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC TIẾNG NHẬT
    Trong quá trình học tiếng Nhật, trình độ N3 được coi như một cột mốc đánh dấu rằng bạn đã bước sang một level mới đạt mức có thể giao tiếp...
  • 4 TÍNH CÁCH "XẤU" CỦA NGƯỜI NHẬT TRONG MÔI TRƯỜNG CÔNG SỞ
    Với kinh nghiệm hơn 8 năm sinh sống và làm việc tại Nhật mình đã gặp rất nhiều người Nhật với nhiều tính cách khác nhau. Cũng như tất cả mọi...

Categories

  • slide 9
  • Cuộc sống ở Nhật 4
  • Góc học tập 4
  • Thuế/Bảo hiểm/Visa 3
  • Du lịch - Trải nghiệm 2
  • JLPT 1
  • Review/Làm đẹp 1
  • Tips Tiết kiệm 1

CONNECT AND SHARE

Copyright © SharewithChi.